MỤC LỤC BÀI VIẾT
Giáo dục sớm là gì? Liệu cha mẹ, nhất là những cặp vợ chồng lần đầu có con, đã hiểu đúng về khái niệm và những lợi ích mà giáo dục sớm mang lại cho con trẻ? Có những phương pháp giáo dục sớm nào hiện nay và cha mẹ có thể bắt đầu từ đâu? Hãy cùng Trông Trẻ Pro tìm hiểu nhé!
Lần đầu làm cha mẹ không tránh khỏi nhiều bỡ ngỡ. Không chỉ con là tờ giấy trắng mà bản thân cha mẹ cũng lần đầu đứng trước một trọng trách vô cùng to lớn – trở thành người chắp bút cho những dòng chữ đầu tiên trong cuộc đời của con. Từ việc ăn thế nào, ngủ ra sao cho đến từng hoạt động giúp con khôn lớn đều là những công trình mà cha mẹ phải dày công nghiên cứu để cho con một khởi đầu vững vàng nhất. Trong đó, giáo dục sớm cho trẻ là vấn đề được rất nhiều cha mẹ quan tâm nhưng vẫn còn phân vân giữa biển thông tin tràn lan trên internet.
Giáo dục sớm là gì?
Theo định nghĩa của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc UNESCO, giáo dục sớm (Early Childhood Education – ECE) là chương trình giáo dục cung cấp các hoạt động khuyến khích học tập dành cho trẻ từ khi sinh ra đến trước khi bước vào bậc tiểu học. Các hoạt động này được thiết kế một cách toàn diện để hỗ trợ tối đa cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ và tinh thần của trẻ. Giáo dục sớm giúp trẻ làm quen với thế giới, với những tổ chức xã hội bên ngoài phạm vi gia đình và chuẩn bị những kỹ năng cần thiết cho giai đoạn tiểu học sau này. (Trích dẫn từ Bảng phân loại tiêu chuẩn giáo dục quốc tế (International Standard Classification of Education – ISCED) của Viện Thống kê UNESCO (UNESCO Institute of Statistics) phiên bản 2011)
Từ định nghĩa ở trên, Thạc sĩ Vũ Thị Thúy – nhà sáng lập Trông Trẻ Pro – đã phát triển thành một khái niệm mới với cách tiếp cận dễ hiểu hơn dành cho cha mẹ: Giáo dục sớm là tất cả những hoạt động mà người lớn thực hiện khi chăm sóc cho trẻ từ trong bào thai đến khi được sinh ra và cho đến trước khi trẻ đi học tiểu học, nhằm đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện của trẻ về thể chất và tinh thần. Đây là kết quả được đúc kết thông qua quá trình nghiên cứu và hơn 15 năm kinh nghiệm áp dụng trong ngành giáo dục mầm non tại Hệ thống Trường Mầm non Mẹ Yêu Con.
Cha mẹ có thể hiểu rằng, dù không tìm hiểu về giáo dục sớm và nuôi dạy trẻ hoàn toàn bằng bản năng hay bằng kinh nghiệm của ông bà truyền lại, thì quá trình giáo dục sớm vẫn xảy ra. Phần lớn trẻ em, trừ những trường hợp đặc biệt, vẫn lớn lên, tiếp nhận và học hỏi từ tất cả các yếu tố xuất hiện trong môi trường sống. Vì vậy, việc tìm hiểu về giáo dục sớm bản chất là nhận thức về tất cả các nhân tố tác động đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ để lựa chọn và quản lý các nhân tố đó sao cho có lợi nhất, tối ưu nhất cho sự phát triển của trẻ trên cơ sở khoa học.
Tại sao giáo dục sớm lại quan trọng?
Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng giai đoạn từ 0-8 tuổi là giai đoạn phát triển “thần tốc” của não bộ, mở ra cơ hội để trẻ tiếp nhận và học hỏi thông qua giáo dục sớm. Trên cơ sở khoa học thần kinh, môi trường xung quanh trẻ có ảnh hưởng lớn đến não bộ của trẻ nhỏ; những trải nghiệm trong thời kỳ này sẽ là nền tảng cho việc phát triển trí tuệ và hành vi trong tương lai.
Dưới góc nhìn của khoa học giáo dục, trẻ em được tiếp nhận giáo dục sớm có sự chuẩn bị tốt hơn trước khi bước vào bậc tiểu học. Giáo dục sớm giúp cha mẹ có thể sớm phát hiện khả năng của con, tăng cường biện pháp bồi dưỡng và tập trung vào các thế mạnh đó để chuẩn bị tốt cho hành trình tiếp theo. Trẻ sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn trong học tập, hòa nhập với xã hội và có khả năng lao động tốt hơn trong tương lai.
Lợi ích của giáo dục sớm đối với con trẻ là gì?
Khả năng của con người là vô tận, nhưng không phải ai cũng có thể khai phá hết những tiềm năng sẵn có trong bản thân mình. Giáo dục sớm chính là chìa khóa để khởi động quá trình khai phá những năng lực tiềm ẩn của mỗi đứa trẻ trong giai đoạn cơ thể và trí tuệ phát triển nhanh nhất (giai đoạn từ khi là bào thai cho đến 8 tuổi).
Về thể chất, khi còn là một thai nhi, trẻ được nuôi dưỡng và nâng niu trong bụng của mẹ. Khi ra đời, trẻ được làm quen với việc ăn, ngủ và chơi – cơ thể trẻ học cách tự nạp và tự tiêu năng lượng để tồn tại và lớn lên. Lớn hơn chút nữa, trẻ học cách tự ăn, tự ngủ, biết mặc quần áo, đi giày hay những hành động khác để chăm sóc và tự bảo vệ bản thân. Giáo dục sớm chính là dạy cơ thể của trẻ biết cách “sống” một cách lành mạnh nhất có thể.
Theo bài viết của tác giả Vicki Palmer (Chuyên gia đào tạo về giáo dục sớm/ Nhà sáng lập TicTacTeach.com) trên tờ HuffPost, giáo dục sớm mang lại rất nhiều lợi ích về trí tuệ và nhận thức cho trẻ bao gồm:
Phát triển khả năng hòa nhập cộng đồng:
Giáo dục sớm là cơ hội để trẻ tiếp xúc và giao tiếp với người ngoài trong một môi trường an toàn (ví dụ như với bạn bè và thầy cô trong lớp học). Đây là nền tảng giúp trẻ bước ra khỏi vòng tay bao bọc của gia đình và xây dựng các mối quan hệ xã hội trong tương lai.
Phát triển khả năng phối hợp và làm việc nhóm:
Trẻ được học cách tôn trọng và lắng nghe người khác. Điều này sẽ đặc biệt có lợi đối với những trẻ là con một vốn thường được nuông chiều hơn so với những gia đình nhiều con. Trẻ được học về sự bình đẳng từ những bài học đầu tiên về cách xếp hàng đợi tới lượt hay chia sẻ đồ ăn, đồ chơi và cả những nhiệm vụ nhóm được giáo viên giao cho.
Trẻ được học cách tôn trọng và lắng nghe người khác:
Điều này sẽ đặc biệt có lợi đối với những trẻ là con một vốn thường được nuông chiều hơn so với những gia đình nhiều con. Trẻ được học về sự bình đẳng từ những bài học đầu tiên về cách xếp hàng đợi tới lượt hay chia sẻ đồ ăn, đồ chơi và cả những nhiệm vụ nhóm được giáo viên giao cho.
Khơi dậy sự tò mò và nuôi dưỡng tính hiếu học:
Chương trình giáo dục sớm luôn mang đến những hoạt động vui nhộn và thú vị. Trẻ luôn tìm thấy niềm vui, sự háo hức trong quá trình tìm hiểu thế giới xung quanh, từ đó giúp việc tiếp nhận kiến thức hiệu quả hơn trong quá trình học tập sau này.
Rèn luyện tính bền bỉ và kiên nhẫn:
Không chỉ mang đến niềm vui, giáo dục sớm còn mang đến những “thí nghiệm” về cuộc sống cho trẻ. Trẻ được đặt vào những tình huống thử thách bằng các bài tập hoặc trò chơi. Trẻ có thể sẽ gặp khó khăn, trở ngại, bị vấp ngã hay thất bại nhưng sẽ được động viên, hướng dẫn để tiếp tục theo đuổi mục tiêu cuối cùng, học cách không bỏ cuộc để tìm đến chiến thắng.
Rèn luyện sự tập trung:
Mất tập trung là một vấn đề phổ biến và cũng rất nan giải mà đa số bậc cha mẹ gặp phải trong quá trình nuôi con. Khả năng tập trung của trẻ sẽ được nâng cao dần khi trẻ được khuyến khích để hoàn thành các công việc trong thời gian chỉ định.
Nâng cao sự tự tin và lòng tự trọng:
Những lời khen của cha mẹ, giáo viên là những món quà tinh thần vô cùng quý giá đối với con trẻ. Khi đạt được thành tựu và nhận được sự ghi nhận, khuyến khích, trẻ sẽ cảm thấy tự tin về khả năng của bản thân trong các tình huống xảy ra trong tương lai.
Trong quá trình thực tiễn cung cấp dịch vụ bảo mẫu và giáo dục sớm,Trông Trẻ Pro nhận thấy không chỉ trẻ mà các bậc phụ huynh cũng được hưởng lợi khi có kiến thức và kỹ năng áp dụng giáo dục sớm cho con. Giáo dục sớm góp phần định hình môi trường giáo dục trong gia đình, nâng cao năng lực tổ chức cuộc sống và hạnh phúc của các cặp đôi, đặc biệt là đối với các cặp vợ chồng đang trong giai đoạn đầu xây dựng tổ ấm.
Các phương pháp giáo dục sớm đang có hiện nay là gì?
Hiện nay trên thế giới có rất nhiều phương pháp giáo dục sớm khác nhau. Đó có thể là các phương pháp nuôi dạy trẻ được đặt theo tên riêng của các triết gia, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu như Montessori, Shichida, Glenn Doman, Steiner,… hoặc các phương pháp nuôi dạy trẻ được tổng hợp từ kinh nghiệm, truyền thống và thành tựu của các dân tộc khác nhau như: nuôi dạy con kiểu Nhật, nuôi dạy con kiểu Mỹ, nuôi dạy con kiểu Do Thái, giáo dục trẻ thơ theo mô hình giáo dục Phần Lan…
Dưới đây là các phương pháp giáo dục sớm phổ biến nhất mà cha mẹ có thể tham khảo:
Phương pháp giáo dục sớm Montessori:
Giáo trình Montessori được xây dựng xung quanh cảm giác và cảm quan của trẻ. Đây là phương pháp đề cao việc tôn trọng tính riêng biệt của mỗi đứa trẻ. Trẻ tự thiết lập quá trình và tốc độ học tập, được tự mình khám phá và phát triển mà không bị gián đoạn bởi ý kiến của người lớn. Các giáo cụ, hoạt động ứng dụng trong phương pháp này đều mang tính gợi mở, khuyến khích trẻ tự tìm tòi, xây dựng thay vì bắt đầu với việc học lý thuyết. Kết quả, trẻ dần dần tự hình thành được tư duy logic, khả năng sáng tạo, phát triển nhạy bén các giác quan và có thể xử lý các tình huống trong cuộc sống một cách linh hoạt.
Phương pháp Glenn Doman:
Ứng dụng từ khả năng chụp ảnh nguyên mảng của não phải của trẻ, phương pháp Glenn Doman giới thiệu trẻ đến với thế giới của từ ngữ và số lượng. Thông qua bộ thẻ flashcard và dotcard, trẻ được rèn luyện khả năng ghi nhớ, nhận thức về các sự vật xung quanh, mở rộng vốn từ bằng cả âm thanh và hình ảnh. Với quan điểm nhấn mạnh vào tình cảm gia đình và coi đây là nền tảng tuyệt vời nhất để trẻ phát triển, phương pháp Glenn Doman khuyến khích các bậc cha mẹ ứng dụng ngay tại nhà và trở thành những người thầy đầu tiên của con.
Thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner:
Theo Gardner, trí thông minh của con người (intelligence) là khả năng giải quyết các vấn đề hoặc tạo ra các sản phẩm, giải pháp có giá trị. Vì vậy, trí thông minh không thể chỉ được đo lường thông qua chỉ số IQ hay trong một môi trường, tình huống tiêu chuẩn nào. Thay vào đó, trí thông minh của con người có thể là năng lực trí tuệ về âm nhạc, năng lực thể chất, khả năng giao tiếp hay sử dụng ngôn ngữ, v.v. Dựa vào lý thuyết này, giáo dục sớm mang đến các hoạt động khai phá, giúp trẻ tìm ra điểm mạnh và trau dồi cho tương lai.
Phương pháp giáo dục sớm Reggio Emilia:
Đây là phương pháp giáo dục với cách tiếp cận nhiều cảm hứng, tạo ra một môi trường học tập mở để trẻ có thể tự do khám phá và cảm nhận mọi thứ xung quanh thông qua tất cả các giác quan (thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác và khứu giác). Đặc trưng của phương pháp này là sự tự do của trẻ, lấy trẻ là trung tâm, giúp trẻ bộc lộ cảm xúc và lắng nghe những suy nghĩ của trẻ.
Phương pháp giáo dục sớm Shichida:
Với mục tiêu khơi gợi tiềm năng con người, phương pháp Shichida tạo ra môi trường học tập và rèn luyện lý tưởng nhất để mỗi trẻ có thể phát huy tối đa ưu điểm của mình. Những nội dung trong phương pháp giáo dục Shichida bao gồm: dạy trẻ cảm thụ âm thanh, dạy trẻ nhận biết màu sắc, dạy trẻ nhận biết kích thước, sử dụng flashcard – hình ảnh minh họa, rèn luyện các ngón tay & phát triển toàn diện 5 giác quan.
Phương pháp giáo dục sớm STEM/STEAM:
Phương pháp STEM là phương pháp giảng dạy tích hợp nhằm trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng liên quan đến 4 lĩnh vực Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Mathematics (Toán học) cho trẻ mầm non. Phương pháp STEAM là sự nâng cấp của STEM với sự bổ sung của lĩnh vực Art (Nghệ thuật).
Kết
Giáo dục sớm là món quà ý nghĩa đầu tiên mà cha mẹ dành cho con, là hành trang chuẩn bị để con bước vào đời khỏe mạnh, tự tin và thông thái nhất có thể. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, việc dành được thời gian và tâm sức để thực hiện giáo dục sớm cho con là một thách thức không nhỏ, đặc biệt là đối với các cặp vợ chồng trẻ.
Với mong muốn làm giảm gánh nặng cho các bậc cha mẹ, ứng dụng Trông Trẻ Pro ra đời và cung cấp dịch vụ bảo mẫu/giáo dục sớm tại nhà dành cho trẻ từ 0-6 tuổi. Với đội ngũ bảo mẫu và giáo viên ổn định, chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản cùng chương trình độc quyền về giáo dục trẻ tại gia đình, Trông trẻ Pro chính là giải pháp toàn diện dành cho phụ huynh tìm kiếm dịch vụ trông trẻ tiện lợi và đảm bảo tin cậy.
Ngoài ra, Trông trẻ Pro còn mang đến các khóa học về giáo dục sớm được xây dựng và giảng dạy bởi các chuyên gia đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành mầm non dành cho những phụ huynh muốn trực tiếp thực hành và ứng dụng cho con ngay tại nhà.