MỤC LỤC BÀI VIẾT
Trong thế kỷ 21, giáo dục sớm đã trở thành một chủ đề nóng hổi, thu hút sự quan tâm và thảo luận của nhiều gia đình. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của internet, các gia đình ngày nay phải đối mặt với một lượng thông tin khổng lồ, gây ra những hiểu lầm nghiêm trọng về phương pháp giáo dục sớm cho trẻ. Hãy để Trông Trẻ Pro giúp các phụ huynh giải mã những hiểu lầm đó nhé!
Khi nhắc đến giáo dục sớm, chúng ta nhận thấy có những quan điểm trái ngược đang tồn tại trong cộng đồng phụ huynh. Bên cạnh những đánh giá tích cực về các lợi ích mà giáo dục sớm mang lại như việc khai phá tiềm năng và phát triển các kỹ năng xã hội cho trẻ, chúng ta cũng không thể phủ nhận những nghi ngờ, chán nản, và thậm chí là sự bối rối khi không biết phải thực hiện các phương pháp giáo dục sớm như thế nào. Dưới đây là một số hiểu lầm thường thấy về giáo dục sớm:
Trẻ còn nhỏ thì chưa cần học.
Một trong những quan niệm phổ biến về việc nuôi dạy con vẫn được lưu truyền đến nay là: Trẻ chưa đến độ tuổi đi học tiểu học (Từ 6 tuổi – vào lớp 1) thì chỉ cần “ăn ngoan – ngủ kỹ – biết vui chơi” là được. Nhiều cha mẹ cho rằng mọi sự dạy dỗ dành cho con ở giai đoạn này đều là vô ích bởi trẻ, với não bộ còn non nớt, rất chóng quên và sẽ không lưu lại được kiến thức gì. Không chỉ có vậy, nhiều ý kiến còn cho rằng trí thông minh của trẻ là “vốn có”, trẻ vốn đã sáng dạ và tiếp thu nhanh chắc chắn khi đi học lớp 1 sẽ hòa nhập nhanh với môi trường giáo dục.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Trung tâm về Phát triển Trẻ em, Đại học Harvard (Center for Developing Child, Harvard University) đã chỉ ra rằng giai đoạn từ 0-8 tuổi là giai đoạn phát triển “thần tốc” của não bộ, mở ra cơ hội để trẻ tiếp nhận và học hỏi thông qua giáo dục sớm. Môi trường xung quanh trẻ có ảnh hưởng lớn đến não bộ của trẻ nhỏ; những trải nghiệm trong thời kỳ này sẽ là nền tảng cho việc phát triển trí tuệ và hành vi trong tương lai.
Trách nhiệm giáo dục sớm hoàn toàn là của nhà trường.
Theo Thạc sĩ Vũ Thị Thúy – nhà sáng lập Trông Trẻ Pro, Giáo dục sớm là tất cả những hoạt động mà người lớn thực hiện khi chăm sóc cho trẻ từ trong bào thai đến khi được sinh ra và cho đến trước khi trẻ đi học tiểu học, nhằm đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện của trẻ về thể chất và tinh thần.
Giáo dục sớm đòi hỏi một lượng lớn thời gian để nghiên cứu và áp dụng một cách cẩn thận. Do đó, một số cha mẹ cho rằng, thay vì dành thời gian cho việc tự mình dạy con, tốt hơn là để con tới trường và tham gia lớp học chính quy với sự hướng dẫn bài bản và chuẩn chỉ từ các thầy cô. Tuy nhiên, theo khái niệm trên được đề cập ở phía trên, có thể hiểu rằng dù không tìm hiểu về giáo dục sớm và nuôi dạy trẻ hoàn toàn bằng bản năng hay bằng kinh nghiệm của ông bà truyền lại, thì quá trình giáo dục sớm vẫn xảy ra. Gia đình chính là “ngôi trường” đầu tiên và vô cùng quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách con người.
Do đó để trẻ được phát triển tối đa tiềm năng của mình với phương pháp giáo dục sớm cần có sự đồng hành của cả cha mẹ và nhà trường. Nếu như cha mẹ vẫn còn nhiều băn khoăn về phương pháp giáo dục này thì có thể tham khảo thêm các khóa học về giáo dục sớm được xây dựng và giảng dạy bởi các chuyên gia đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành mầm non tại Trông Trẻ Pro.
Giáo dục sớm khiến trẻ bị đánh cắp tuổi thơ?
Khi nhắc đến giáo dục sớm, nhiều phụ huynh sẽ lầm tưởng với việc bắt con học một cách nhồi nhét với các chương trình học nặng về lý thuyết đầy khô cứng. Hoặc một hình ảnh mà cha mẹ hay bắt gặp hơn là việc trẻ nhỏ được học thông qua việc tráo đổi những tấm thẻ nhàm chán với những hình ảnh “chết”, các con chữ rỗng nghĩa và những dãy số “chả biết để làm gì”.
Song trái ngược lại với tưởng tượng đó, giáo dục sớm vô cùng tinh tế, hài hòa về cảm xúc thẩm mỹ, ngôn ngữ và được khơi gợi từ từ trải nghiệm giản dị như lời mẹ ru, món ăn dặm đầu đời của bé hay những tia nắng sớm chiếu vào cửa sổ. Giáo dục sớm với phương châm “lấy trẻ làm trung tâm” tạo cơ hội cho trẻ phát triển đa chiều, bao gồm cả khía cạnh tinh thần, xã hội, và thể chất. Theo từng giai đoạn và độ tuổi phát triển của trẻ, phương pháp giáo dục sớm sẽ đi kèm với những hoạt động tương ứng để giúp trẻ phát triển toàn diện. Do đó giáo dục sớm không nên bị hiểu lầm là việc ép buộc trẻ phải học để thành tài ngay từ khi còn bé.
Những hoạt động như tập mặc quần áo, tập cầm thìa xúc ăn, quan sát và nhận biết các loại rau củ quả, quan sát hiện tượng mặt trời lặn, ngắm mưa…cũng là một phần trong chương trình giảng dạy của phương pháp giáo dục sớm. Những hoạt động này dễ dàng thực hiện tại nhà đồng thời là cơ hội để cha mẹ và trẻ xây dựng những kỷ niệm đẹp. Chính vì vậy, giáo dục sớm không hề đang cướp đi tuổi thơ của trẻ mà trái lại, giáo dục sớm tạo ra những khoảnh khắc vui chơi đáng nhớ giữa trẻ với cha mẹ và kích thích não bộ của trẻ phát triển tối ưu, đa dạng các loại hình trí thông minh.
Giáo dục sớm là phong trào sính ngoại?
Có ý kiến cho rằng, theo đuổi giáo dục sớm là sính ngoại, đặc biệt là trong thời điểm xuất hiện ồ ạt các phương pháp giáo dục sớm được du nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, lại một lần nữa, khi so sánh với khái niệm về giáo dục sớm, chúng ta không thể phụ nhận sự thật là dù có ý thức hay vô thức, cha mẹ luôn “giáo dục sớm” cho con. Đó có thể là sự giáo dục theo bản năng, kế thừa những kinh nghiệm từ quan sát thế hệ trước, của ông bà truyền lại, quan sát các gia đình khác và các cặp đôi khác. Theo cách này, cha mẹ có thể mang đến cho con cả những ảnh hưởng tích cực lẫn những ảnh hưởng tiêu cực cho sự phát triển của trẻ do thiếu khả năng suy xét thấu đáo, tỉnh thức từ bên trong của cha mẹ.
Mỗi bậc cha mẹ, theo một cách tự nhiên, đã trở thành “thầy” của con ngay khi con chào đời, chỉ có điều đó là những “người thầy” ở các mức độ chất lượng khác nhau từ rất tệ đến rất tốt mà thôi. Cha mẹ có sự chuẩn bị chu đáo về kiến thức, kỹ năng và thái độ đúng đắn thì sẽ trở thành những người thầy tốt, và ngược lại.
Giáo dục sớm chỉ dành cho những gia đình có điều kiện?
Nhiều người vẫn có quan niệm sai lầm rằng chỉ có gia đình giàu mới có khả năng thực hiện giáo dục sớm cho con cái. Thực tế, giáo dục sớm bao gồm cả việc sáng tạo trong việc sử dụng những chất liệu trong cuộc sống hàng ngày. Bất kỳ gia đình nào cũng có thể thực hiện được các hoạt động giáo dục trẻ theo phương pháp giáo dục sớm nếu như có lòng quyết tâm và sự kiên trì.
Nếu coi giáo dục sớm là một món quà, thì cha mẹ có thể tặng cho con của mình món quà này bằng cách dành thời gian bên con nhiều hơn, lắng nghe, quan sát để có những hỗ trợ kịp thời và phù hợp. Tất cả những điều này sẽ giúp con phát triển thông minh, đáng yêu, và tự tin hơn.
Giáo dục sớm chỉ… vì con?
Nhắc đến giáo dục sớm, ta nghĩ ngay đến những điều tốt đẹp mà ta mong muốn dành cho con. Nhưng sự thật, cha mẹ chính là người hưởng lợi từ giáo dục sớm cho con rất nhiều. Khi tìm hiểu về giáo dục sớm, cha mẹ sẽ nhận thức được rằng chính cha mẹ là người ảnh hưởng đến con, bởi con học hỏi về thế giới thông qua hành vi bắt chước, con cảm nhận về bản thân và thế giới thông qua tương tác với cha mẹ. Vì thế, giáo dục sớm cho con nhưng điều cốt lõi lại là định hình phong cách làm cha mẹ.
Trong một gia đình, không có gì ảnh hưởng đến con mà không liên quan đến cha mẹ cả. Ngược trở lại, nếu hiểu biết và áp dụng giáo dục sớm cho con, thì con phát triển tốt, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, thông minh. Điều này mang lại sự hài lòng của cha mẹ về bản thân mình, cảm thấy tự tin hơn với những thành công trong vai trò làm cha mẹ. Bên cạnh đó, sự gắn bó giữa cha mẹ và con cái được gia tăng, sự gắn kết giữa cha với mẹ làm gia tăng chất lượng mối quan hệ, khiến cho gia đình trở nên mạnh mẽ hơn trước những khó khăn, thử thách khác của cuộc sống.
KẾT:
Giáo dục sớm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển trẻ nhỏ và hạnh phúc của gia đình. Nếu nghiêm túc tìm hiểu về giáo dục sớm cho con, cha mẹ cũng sẽ khám phá về chính vai trò làm người thầy đầu tiên quan trọng của con và có sự chuẩn bị tốt nhất cho cả hành trình làm cha mẹ lâu dài nhiều thách thức cũng như đầy những phần thưởng tuyệt vời.
Tình yêu là món quà lớn nhất mà cuộc sống dành cho bạn thì gia đình chính là nơi lưu giữ và phát triển nó. Hãy nuôi dưỡng tình yêu bằng sự hiểu biết, những kỹ năng chăm sóc và thái độ tích cực. Và khởi đầu, hãy tưới tắm cho tổ ấm mới xây của bạn bằng những hiểu biết đúng đắn về giáo dục sớm.
Thạc sĩ Vũ Thị Thúy – Nhà sáng lập Trông Trẻ Pro
Nhằm giúp đỡ các bậc cha mẹ xóa bỏ sự bối rối và choáng ngợp trước một lượng lớn thông tin không kiểm chứng và thiếu hệ thống, Trông Trẻ Pro cung cấp các khóa học về giáo dục sớm với hệ thống lý thuyết được xây dựng một cách khoa học cùng các bài tập thực hành dễ dàng áp dụng tại nhà.